Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chiều ngày 20/6, sau Lễ đón cấp Nhà nước, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra Hội đàm giữa Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin.

Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng thống Vladimir Putin và Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nga (1994-2024). Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Tổng thống Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng nhân dịp được bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm đón chào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Phạm Hưng.

Chủ tịch nước chúc mừng thành tựu quan trọng mà nhân dân Nga đạt được dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, chúc mừng Tổng thống đã giành được sự tín nhiệm cao của nhân dân Nga tại cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3/2024.

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình mà nhân dân Nga dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, Việt Nam coi Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam lần thứ 5, cảm ơn chân thành đối với Chủ tịch nước Tô Lâm và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị, thân tình. Tổng thống khẳng định Liên bang Nga luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Việt Nam trong chính sách đối ngoại Hướng Đông.

Chủ tịch nước Tô Lâm đón chào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Phạm Hưng.

Độ tin cậy cao giữa hai nước

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định củng cố Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mong muốn chuyến thăm sẽ đẩy mạnh phát triển hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cùng có lợi và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi các phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phát triển thực chất và hiệu quả, nhằm làm sâu sắc Đối tác chiến lược toàn diện hai nước.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về quan hệ chính trị rất tốt đẹp với độ tin cậy cao giữa hai nước; thời gian qua hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi, đối thoại chính trị ở tất cả các cấp, đặc biệt cấp cao và cấp cao nhất, qua tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, giáo dục thế hệ trẻ về quan hệ hữu nghị truyền thống, nhằm không ngừng củng cố, đẩy mạnh tin cậy chính trị, tạo nền tảng thuận lợi để tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác tích cực giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ… Để góp phần tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hữu nghị, hai bên nhất trí nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các địa phương kết nghĩa; tăng cường các hoạt động giao lưu thanh niên, mở rộng hợp tác và kết nối về hàng không nhằm thúc đẩy du lịch.

Về giáo dục đào tạo, Tổng thống Vladimir Putin nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước Tô Lâm về việc Nga tăng cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu, nhất là về các lĩnh vực khoa học cơ bản và văn hóa nghệ thuật là thế mạnh của Nga.

Hai bên nhất trí tạo điều kiện cho du lịch thông qua đàm phán, ký kết hiệp định về đơn giản hóa thủ tục thị thực cho công dân Việt Nam; thúc đẩy hợp tác lao động thông qua đàm phán, ký kết hiệp định về đào tạo nghề và lao động.

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng an ninh

Hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhất là hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương về quốc phòng - an ninh, đặc biệt các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Nga và ASEAN, đóng góp tích cực và trách nhiệm đối với bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế dân chủ

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; ủng hộ xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế dân chủ, công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhất là không đe dọa và sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, APEC, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Nga, ASEAN - SCO, ASEAN - EAEU; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương; tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nga vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2027.

Biển Đông và Ukraine

Về Biển Đông, hai bên ủng hộ việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Về xung đột tại Ucraina, Chủ tịch nước tái khẳng định lập trường của Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; sẵn sàng tham gia các nỗ lực trung gian quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho vấn đề Ucraina.

Hai bên bày tỏ vui mừng về việc hai nước sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước, nhất là 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 50 năm thống nhất đất nước của Việt Nam. Tổng thống Vladimir Putin trân trọng mời Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng phát xít trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Nga. Chủ tịch nước Tô Lâm đã vui vẻ nhận lời.

Trao đổi 11 văn kiện hợp tác

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi một loạt văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông, tư pháp, hải quan, tài chính, khoa học - công nghệ, trong đó có Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước được ký kết nhân dịp chuyến thăm, bao gồm:

- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học;

- Chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga; - Bản Ghi nhớ về Lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom;

- Bản Ghi nhớ giữa Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ Nhiệt đới hỗn hợp Việt - Nga và Cơ quan Liên bang Nga về giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm để phòng, chống dịch bệnh;

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh Lô 11 - 2 cho Tập đoàn Zarubezhneft;

- Thỏa thuận hợp tác trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA);

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Hà Nội và RANEPA;

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU); - - - Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Kinh tế cao cấp (HSE);

- Bản Ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần NOVATEK; - - Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần Quản lý BVIM và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).